"Tuy đầu tư ban đầu khá tốn kém nhưng về dài hạn thì chi phí sản xuất ít hơn, đặc biệt trong quá trình canh tác không dùng phân vô cơ, không dùng thuốc hóa học, không kích thích tăng trưởng nên cây phát triển tự nhiên sẽ đem đến cho người tiêu dùng các sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe" - anh Điền cho biết.
Vài năm trở lại đây, 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận là vùng đất thu hút nhiều nhà đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Bình Thuận hiện có khoảng 270 trang trại được cấp chứng nhận trang trại kinh tế đạt chuẩn theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), 3 doanh nghiệp được tỉnh công nhận ứng dụng công nghệ cao. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, tỉnh này đã phê duyệt đề án thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đi vào hoạt động từ đầu năm 2019.
Anh Nguyễn Ngọc Điền với sản phẩm rau trồng bằng công nghệ Aquaponics
Các loại hình sản xuất công nghệ cao tiêu biểu đang được triển khai tại Bình Thuận bao gồm: Thanh long lai tạo giống mới, dưa lưới, nha đam, măng tây, cây dược liệu, rau màu... Đây là đề án có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, khi hình thành có ý nghĩa quan trọng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sự lan tỏa đến nhân dân, các thành phần khác và các vùng trong tỉnh phát triển. Đến nay, đề án đã thu hút được HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Bình Minh đầu tư mô hình trồng thanh long leo giàn, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng và một số loại cây trồng khác với tổng cộng là 150,14 ha...
"Cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp tại Bình Thuận từng bước được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Bước đầu thu hút một số dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trọng tâm thời gian tới của tỉnh là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu" - ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết.
Tại Ninh Thuận, địa phương xác định "phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu" là 1 trong 3 khâu đột phá để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã thu hút 13 dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đi vào hoạt động với diện tích khoảng 300 ha. Trong đó có các dự án đầu tư quy mô theo quy trình khép kín, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Dự án dưa lê, dưa lưới 30 ha của Công ty Segull - ADC tại Phước Dinh (Thuận Nam), dự án tôm giống post công nghệ cao tại An Hải (Ninh Phước), dự án phát triển vùng nguyên liệu nho rượu của Công ty TNHH Ladora Farm Ninh Thuận…
Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, nông nghiệp công nghệ cao của Ninh Thuận phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết giai đoạn 5 năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành rà soát chính sách hiện có, từ đó tham mưu điều chỉnh, bổ sung chính sách về ruộng đất, tín dụng, thu hút và sử dụng nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp. Ngành cũng sẽ tham mưu cho tỉnh lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch.